5 ngành học dễ xin việc, ra trường không sợ thất nghiệp, lương tới 100 triệu/tháng nhiều doanh nghiệp "săn đón"

Google News

Trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay, việc lựa chọn đúng ngành học là yếu tố then chốt quyết định cơ hội nghề nghiệp sau này. Nhiều ngành nghề không chỉ đảm bảo đầu ra ổn định mà còn mang lại mức thu nhập hấp dẫn, thậm chí lên tới hàng chục, trăm triệu mỗi tháng.

1. Kỹ sư phần mềm

Theo các chuyên gia, trong vòng 10 năm tới, lĩnh vực công nghệ sẽ có những chuyển dịch quan trọng: từ công nghệ thông tin truyền thống sang công nghệ số, từ phần mềm đơn lẻ sang các nền tảng số tích hợp, từ gia công phần mềm sang phát triển các sản phẩm phần mềm mang thương hiệu Việt Nam, và từ việc phục vụ chủ yếu cho thị trường nội địa chuyển sang chinh phục thị trường quốc tế. Những xu hướng này mở ra nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành Kỹ thuật phần mềm trong tương lai.

Kỹ sư phần mềm là người xây dựng và lập trình các hệ thống điều khiển để máy tính có thể tự động hóa các quy trình, thao tác mà con người thường thực hiện trong công việc, đời sống và giải trí. Nhờ các phần mềm, con người được hỗ trợ tối đa trong việc giảm bớt công việc thủ công, tăng hiệu suất làm việc và hạn chế sai sót trong quá trình vận hành.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm sẽ trở thành kỹ sư có chuyên môn cao, có khả năng tham gia và triển khai các dự án phần mềm vừa và lớn. Cơ hội việc làm rất đa dạng, bao gồm: công ty phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm, sản xuất game; bộ phận CNTT tại các cơ quan, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà máy, trường học; hoặc giảng dạy và nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo về công nghệ thông tin. Ngoài ra, kỹ sư phần mềm còn có thể trở thành chuyên viên phân tích, thiết kế, cài đặt, quản trị và bảo trì các phần mềm ứng dụng đa lĩnh vực hoặc tự phát triển các sản phẩm như ứng dụng di động, game và xuất bản trên các nền tảng số.

Về mức thu nhập, ngành Kỹ thuật phần mềm hiện nằm trong nhóm ngành có mức lương hấp dẫn nhất tại Việt Nam. Mức lương trung bình dao động từ 20 đến 50 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào trình độ, kinh nghiệm và nơi làm việc. Đối với các vị trí cao cấp tại các công ty công nghệ lớn hoặc tập đoàn đa quốc gia, mức lương có thể lên đến 100 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn. Ngoài lương cơ bản, kỹ sư phần mềm còn có cơ hội nhận thêm các khoản thưởng hiệu suất, cổ phần công ty, hoặc tăng thu nhập thông qua công việc tự do (freelance).

2. Ngành Kỹ thuật tàu thủy 

Kỹ thuật tàu thủy là lĩnh vực kết hợp giữa kỹ thuật và công nghệ, chuyên về thiết kế, chế tạo và quản lý các công trình tàu thủy phục vụ giao thương và phát triển kinh tế biển. Đây là một nhánh của khoa học hàng hải, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển "kinh tế biển xanh" của quốc gia.

Ngoài kiến thức kỹ thuật cơ khí, hàn, kết cấu, sinh viên ngành này còn được đào tạo về thiết kế tàu, quản lý sản xuất và vận hành. Người học có cơ hội trở thành kỹ sư, quản lý, tư vấn, hoặc đảm nhận vị trí thuyền trưởng trong tương lai.

Hiện nay, nhu cầu nhân lực ngành này rất lớn nhưng nguồn cung còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ sinh viên thực tập có lương để thu hút nhân lực chất lượng cao từ sớm.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở tại các công ty, nhà máy đóng tàu, cơ sở tư vấn công nghệ tàu thủy trong và ngoài nước. Mức lương khởi điểm khoảng 10–30 triệu đồng/tháng. Với các vị trí như thuyền trưởng, máy trưởng làm việc cho tàu quốc tế, thu nhập có thể đạt từ 50 đến 200 triệu đồng/tháng.

3. Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành

Cùng với ngành du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được đánh giá là ngành giàu tiềm năng nhất trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay. 

Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là ngành học đào tạo nguồn nhân lực để làm việc trong lĩnh vực du lịch và các ngành khác liên quan mật thiết đến “công nghiệp không khói”. Ngành này cung cấp những kiến thức về công tác thiết lập, điều hành, quản lý các dịch vụ du lịch phù hợp với đặc điểm của từng không gian văn hóa. Với ngành học này, sinh viên không chỉ có cơ hội tiếp cận với những kiến thức nền tảng về du lịch mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động thực tế, liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp trong tương lai.

Đây được xem là ngành “thân thiện với môi trường” giàu tiềm năng nhất của thế kỷ trong xu hướng toàn cầu hoá. Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ nghiên cứu và học về địa lý du lịch, văn hoá và tập quán của du khách trong nước cũng như quốc tế, các kỹ năng nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch, thiết kế tour,...

Với đặc thù nghề nghiệp, ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành phù hợp với những bạn trẻ năng động và thích sự “xê dịch". Làm việc trong ngành này, bạn sẽ có cơ hội được đi đến nhiều nơi và có những trải nghiệm mới lạ. Bên cạnh đó, để trở thành một nhân sự tài giỏi thì bên cạnh chuyên môn và kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ và vốn hiểu sâu rộng cũng chính là một điểm cộng lớn.

Trung bình, mức lương của một sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ dao động từ 10-30 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, tùy theo năng lực, kinh nghiệm, quy mô doanh nghiệp mà bạn còn được nhận nhiều khoản phụ cấp khác như thưởng từ cấp trên, tiền tip từ khách du lịch nếu bạn làm việc tại vị trí hướng dẫn viên du lịch.

4. Ngành Toán kinh tế

Toán Kinh tế (Mathematical Economics) là ngành học kết hợp giữa toán học, thống kê và kinh tế học, nhằm phân tích, mô hình hóa và giải quyết các vấn đề kinh tế bằng các công cụ toán học. Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị tư duy logic chặt chẽ, kỹ năng phân tích dữ liệu và khả năng vận dụng các mô hình toán học để đưa ra các dự báo và giải pháp trong kinh tế – tài chính.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thế - Trưởng khoa Toán Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Sự phát triển và tiến bộ không ngừng của khoa học công nghệ đã tác động đến cơ chế vận hành trong lĩnh vực kinh doanh với nhiều đổi mới. Do đó, nguồn nhân lực chất lượng cao có đầy đủ kiến thức và kỹ năng liên quan đến thống kê, phân tích dữ liệu, phân tích rủi ro, phân tích định lượng, toán ứng dụng trong kinh tế – tài chính đang được đông đảo doanh nghiệp, tổ chức săn đón.

Trên cơ sở đó, cử nhân ngành Toán kinh tế và những chương trình đào tạo liên quan có thể ứng tuyển vào bất cứ một cơ quan, doanh nghiệp nào trong thị trường lao động hiện nay.

Trong thời đại chuyển đổi số và kinh tế số, kỹ năng định lượng và khả năng phân tích dữ liệu là “vũ khí” giúp sinh viên ngành Toán Kinh tế dễ dàng thích nghi và phát triển trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, cả trong nước và quốc tế. Đây là một ngành học có tuổi nghề dài, càng có kinh nghiệm và tư duy hệ thống thì càng có giá trị.

Mức lương ngành Toán Kinh tế khá cạnh tranh, khởi điểm từ 8–15 triệu đồng/tháng. Sau vài năm kinh nghiệm, có thể đạt 20–30 triệu hoặc cao hơn. Làm việc tại tổ chức quốc tế, thu nhập có thể lên đến hàng nghìn USD/tháng.

5. Ngành Kiểm toán

Kiểm toán là quá trình kiểm tra, xác minh độ chính xác của báo cáo tài chính, bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập, lưu chuyển tiền tệ, thay đổi vốn chủ sở hữu và các thuyết minh liên quan. Qua đó, kiểm toán viên cung cấp thông tin chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Kết quả kiểm toán không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn là cơ sở cho nhà đầu tư đánh giá và giúp cơ quan nhà nước xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức.

Ngành Kiểm toán ngày càng phát triển, mở ra nhiều cơ hội việc làm và thu hút giới trẻ. Tại Việt Nam, có hơn 100 công ty kiểm toán độc lập, trong đó có 4 ông lớn Big4: Deloitte, EY, PwC, KPMG. Các công ty này tuyển dụng hai đợt/năm với số lượng từ 10 – 70 người, dành cho sinh viên và người đã tốt nghiệp các ngành liên quan.

Ngoài lương cứng, kiểm toán viên có thể tăng thu nhập qua hoa hồng từ khách hàng hoặc làm thêm công việc kế toán ngoài giờ.

H.A